Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.
Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; đại diện các sở, ngành có liên quan.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10h ngày 20/7, tâm bão ở khoảng 21,8°N; 114,2°E, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15. Bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h.
Dự báo, sáng ngày 21/7, bão đi vào Vịnh Bắc Bộ, cường độ cấp 11, giật cấp 14. Dự kiến 13h ngày 23/7, bão trên khu vực Thượng Lào, suy yếu thành áp thấp. Bão số 3 được đánh giá có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu bão gây mưa lớn, gió mạnh, sóng biển có thể cao 3-5m. Khu vực ảnh hưởng từ tỉnh Quảng Ninh đến Nghệ An và 1 phần phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các địa phương liên quan đã báo cáo nhanh công tác chuẩn bị, ứng phó với bão số 3, kết quả triển khai thực hiện công tác thông báo tàu thuyền, tình hình sản xuất nông nghiệp, công tác vận hành công trình thuỷ lợi… và dự báo khả năng, biện pháp hạn chế giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão cũng đã báo cáo công tác nắm bắt tình hình, phòng chống và ứng phó thiên tai về cơ bản đã sẵn sàng các phương án.
Tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập có địa hình phức tạp, chịu nhiều tác động của các loại hình thiên tai. Trọng yếu là các khu vực xã Hải Thịnh, khu vực Cồn Tròn, vùng sông Hoàng Long, vùng phía Tây Nam của tỉnh…
Ngay sau hợp nhất, ngày 5/7, tỉnh đã ban hành các quyết định về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho thành viên phụ trách địa bàn, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai toàn tỉnh, nhất là 9 khu vực trọng điểm cấp tỉnh, 66 trọng điểm cấp xã.
Theo đó, 7h sáng mai ngày 21/7, thực hiện cấm biển và triển khai di dời vùng đê, thông báo cho nhân dân di dời đến nơi an toàn vào 12h trưa cùng ngày. Đối với sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tiêu kiệt nước nội đồng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai gấp các hoạt động phòng chống và ứng phó với cơn bão; tăng cường công tác kiểm tra, nhất là tại các khu vực trọng điểm xung yếu. Thống nhất kế hoạch, phương án lãnh đạo, chỉ đạo, tình hình tổ chức nhân sự, cơ sở vật chất, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong điều kiện sau sáp nhập. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác dự báo chính xác, liên tục, duy trì liên lạc thường xuyên giữa các địa phương chịu ảnh hưởng của bão.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu sau cuộc họp.
Ngay sau cuộc họp của Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã họp triển khai công tác ứng phó với bão số 3 trên địa bàn. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh, phường, xã tập trung nghiên cứu quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, ứng dụng vận hành thực tế hiệu quả, sẵn sàng các phương án ứng phó, bảo đảm phương châm "4 tại chỗ" trên tinh thần chủ động.
Đặc biệt, tổ chức lực lượng túc trực tại các xã trọng điểm, khu vực nội tỉnh dễ xảy ra ngập úng, nhà ở xuống cấp, đường phố nhiều cây xanh và hệ thống lưới điện phức tạp…