Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, nắm bắt tình hình phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại xã Khánh Nhạc. (ảnh: Ngọc Linh)
Quyết liệt kiểm soát từ cơ sở
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại xã Hải An vào đầu tháng 7. Đến ngày 20/7, ba xóm là Mỹ Thuận (trước đây thuộc xã Hải Giang), xóm 6 và xóm 10 (trước đây thuộc xã Hải An) đã có dịch, với hơn 80 con lợn mắc bệnh, chết hoặc phải tiêu hủy. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã hỗ trợ 100 lít hóa chất sát trùng và xã đã mua thêm 1 tấn vôi bột để khử trùng chuồng trại, nơi tiêu hủy lợn và phương tiện vận chuyển.
Ông Bùi Tiến Hùng, Chủ tịch UBND xã Hải An cho biết: Ngay sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính từ Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương I, xã đã tiêu hủy số lợn bệnh theo quy định và công bố dịch. Đồng thời huy động toàn bộ hệ thống chính trị và nguồn lực để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Các bản tin tuyên truyền liên tục được phát trên hệ thống loa truyền thanh, yêu cầu người chăn nuôi tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, báo cáo kịp thời khi có lợn ốm chết và tuyệt đối không bán chạy hoặc vứt xác lợn ra môi trường. Xã Hải An quyết tâm bảo vệ hơn 7.000 con lợn còn lại trên địa bàn.
Hộ gia đình anh Trần Văn Phi (xóm Mỹ Thuận, xã Hải An) là một trong những hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề. Sau khi ngừng chăn nuôi hơn 2 năm trước do DTLCP, anh Phi mới tái đàn và tiếp tục bị dịch bệnh. Với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng cho 1.000 con lợn chia làm hai trại, một trại đã có lợn nhiễm bệnh và chết rải rác, anh đang cố gắng bảo vệ trại còn lại bằng cách tiêm phòng vắc xin, kiểm soát nghiêm ngặt việc ra vào trại “nội bất xuất ngoại bất nhập” và chỉ định một nhân công chuyên ở trong trại để chăm sóc đàn lợn, nhằm tránh thiệt hại kinh tế lớn.
Ổ DTLCP cũng xuất hiện tại xã Khánh Nhạc vào ngày 4/7, tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Biển (xóm 9), khiến 59 con lợn, bao gồm lợn nái và lợn thịt với tổng trọng lượng trên 6 tấn phải tiêu hủy.
Ông Nguyễn Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Xã đã ban hành kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ngay khi phát hiện. Các nhiệm vụ cụ thể đã được phân công cho từng thành viên, tăng cường trách nhiệm giám sát, thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở. Xã cũng thực hiện nghiêm việc đăng ký kê khai hoạt động chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi; chủ động theo dõi, giám sát đàn lợn, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý kịp thời; kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trang trại chăn nuôi lợn tại xã Hải An. (ảnh: Ngọc Linh)
Nhanh chóng khắc phục những khó khăn, tồn tại
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, sau khi sáp nhập 3 tỉnh, tỉnh Ninh Bình hiện có quy mô chăn nuôi khá lớn, trong đó riêng đàn lợn là 1,27 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 148,5 nghìn tấn. Tình hình bệnh DTLCP từ đầu tháng 7 đến nay diễn biến phức tạp tại 19 xã, phường. Tổng cộng có trên 3.200 con lợn đã phải tiêu hủy bắt buộc, trong đó có trên 640 con lợn nái, đực giống và hơn 2.500 con lợn thương phẩm. Nguyên nhân dịch bệnh lây lan và tái bùng phát được xác định là do tỷ lệ tiêm vắc xin thấp, chưa đảm bảo yêu cầu phòng bệnh; chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu vực dân cư còn chiếm tỷ lệ lớn; ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường và đặc biệt là việc người chăn nuôi còn giấu dịch.
Để đối phó với những thách thức trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 18/7/2025 về việc tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống DTLCP. Đơn vị cũng đã thành lập đoàn công tác chuyên môn để kiểm tra, xác minh dịch bệnh, cấp phát, phân bổ hỗ trợ hóa chất và hướng dẫn các địa phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp khoanh vùng, không chế ổ dịch. Toàn tỉnh đã triển khai tiêm vắc xin DTLCP cho 26.600 con lợn. Chi cục đang rà soát, đánh giá, đề xuất các nội dung, loại vắc xin và phương thức triển khai phù hợp với điều kiện mới.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch đang đối mặt với nhiều khó khăn, cần sớm được khắc phục. Ông Nguyễn Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc chia sẻ: Phòng Kinh tế của xã chưa có cán bộ chuyên môn về chăn nuôi, thú y, dẫn đến lúng túng trong công tác tham mưu quy trình phòng, chống dịch. Hai cán bộ thú y xã là cán bộ không chuyên trách chỉ được sử dụng đến hết ngày 31/5/2026, theo Công văn số 12/CV-BCĐ ngày 20/6/2025. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý và tư tưởng của cán bộ, trong khi khối lượng công việc chuyên môn phục vụ chống dịch rất lớn, gây khó khăn nếu dịch bệnh bùng phát mạnh. Ông Cường đề nghị cơ quan cấp trên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y, có cơ chế phù hợp cho cán bộ thú y xã sau ngày 31/5/2026 để họ yên tâm công tác và bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh cho xã.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng nhận định sau sáp nhập, địa bàn quản lý rộng lớn, tạo ra thách thức lớn trong việc quản lý sản xuất chăn nuôi, dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch vận chuyển. Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư càng làm tăng thêm khó khăn. Chuyên môn của cán bộ phụ trách các Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị không đồng nhất hoặc trái chuyên môn, trong khi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật đòi hỏi chuyên môn sâu. Lực lượng cán bộ thú y cơ sở bán chuyên trách cũng sẽ kết thúc theo lộ trình vào ngày 31/5/2026, gây ra nhiều vướng mắc trong giai đoạn tới. Do đó, việc tổ chức và kiện toàn lại các Trạm Chăn nuôi và Thú y để phụ trách liên xã trên địa bàn rộng là rất cần thiết và cấp thiết. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung bệnh viêm da nổi cục và DTLCP vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y vùng I, Cục Chăn nuôi và Thú y nhấn mạnh việc triển khai tuyên truyền và xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình giấu dịch, vứt xác lợn ốm chết ra môi trường hoặc giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh. Đồng thời đề xuất cần bố trí lực lượng công an tham gia kiểm tra, giám sát vấn đề này, vì đây là một trong những nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, thực hiện nghiêm việc xử lý rác thải và chất thải trong chăn nuôi, đưa về các hầm biogas để xử lý, đặc biệt lưu ý nguy cơ lây lan qua sông nước trong mùa mưa bão hiện nay.