Dây chuyền sản xuất của Nhà máy sản xuất dây cáp điện ô tô ESMO VINA, Cụm công nghiệp Gia Phú.
Thể chế số và mô hình nền tảng
Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (trước đó Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022)), đặt mục tiêu đến năm 2030 quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP, tạo nền tảng đưa Việt Nam trờ thành quốc gia phát triển có nền kinh tế số hiện đại, thông minh.
Trên cơ sở đó, ngay sau hợp nhất, nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh là hoàn thiện thể chế chuyển đổi số đồng bộ và phù hợp với không gian phát triển mới.
Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân ứng dụng số hóa vào các quy trình sản xuất giống. Ảnh: Thu Minh
Tiến sĩ Trần Thị Lan Phương, Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất mô hình chính quyền số “đa trung tâm-một nền tảng”. Theo đó, Hoa Lư-Ninh Bình đảm nhiệm vai trò trung tâm điều hành chính quyền số; Duy Tiên-Hà Nam phát triển công nghiệp số và logistics thông minh; còn Nam Định là đầu mối đào tạo nhân lực số và đổi mới sáng tạo. Việc phân cực chức năng này sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát huy thế mạnh từng địa phương, đồng thời duy trì tính liên thông và quản trị thống nhất toàn tỉnh.
Một trong những yếu tố cốt lõi là xây dựng kho dữ liệu mở cấp tỉnh. Dữ liệu từ ba tỉnh cũ sẽ được chuẩn hóa, tích hợp thành một hệ thống duy nhất, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, giáo dục, y tế… Từ đó, không chỉ phục vụ điều hành và quy hoạch, dữ liệu còn trở thành tài sản chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm số và cá nhân hóa dịch vụ công.
Hiện tỉnh đã quy hoạch xây dựng hai trung tâm dữ liệu lớn tại Duy Tiên và Hoa Lư, đồng thời triển khai nền tảng điện toán đám mây và các ứng dụng điều hành tích hợp cho toàn tỉnh. Đến năm 2030, mục tiêu là 100% dịch vụ công phổ biến sẽ được cung cấp hoàn toàn trên môi trường số, góp phần xây dựng chính quyền điện tử thân thiện, minh bạch và hiệu quả.
Ba mũi nhọn chiến lược
Để chuyển đổi số lan tỏa đến toàn xã hội, chính quyền không thể hành động đơn lẻ mà phải xây dựng được các động lực tăng trưởng mới từ khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện trên 97% số doanh nghiệp của tỉnh mới thuộc nhóm này. Vì vậy, cần có gói hỗ trợ tiếp cận tài chính, công nghệ và đào tạo nhân lực số, giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình quản trị, tiếp cận thương mại điện tử và thị trường số.
Tiến sĩ Phan Huy Thành nhận định: “Nếu đến năm 2030, ít nhất 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số cơ bản thì động lực tăng trưởng kinh tế số vùng sẽ trở nên mạnh mẽ và tự vận hành”.
Trong các lĩnh vực ưu tiên, du lịch thông minh được xác định là ngành mũi nhọn. Năm 2024, Ninh Bình đã đón hơn 5 triệu lượt khách, trong đó 30% sử dụng các dịch vụ số như vé điện tử, bản đồ số, hướng dẫn ảo, cho thấy nhu cầu và thói quen tiêu dùng số đang hình thành rõ rệt.
Triển khai du lịch số tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.
Việc đầu tư vào nền tảng du lịch thông minh, kết nối với hệ thống dữ liệu di sản, giao thông, lưu trú sẽ nâng cao trải nghiệm du khách, đa dạng hóa nguồn thu, đồng thời giúp quản lý hiệu quả tài nguyên văn hóa, sinh thái vốn là thế mạnh đặc thù của tỉnh.
Bên cạnh đó, logistics thông minh đóng vai trò then chốt trong cấu trúc kinh tế số đa trung tâm. Với vị trí chiến lược kết nối các hành lang giao thương Bắc - Nam, tỉnh có điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm logistics số tại Phủ Lý, Duy Tiên, kết nối chuỗi nông sản, thực phẩm, sản phẩm làng nghề qua nền tảng truy xuất nguồn gốc số. Nếu khai thác tốt, mô hình này không chỉ giúp sản phẩm địa phương tiếp cận thị trường lớn mà còn giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh.
Chính quyền cũng cần hoàn thiện các mô hình hỗ trợ hợp tác xã, làng nghề tham gia nền tảng thương mại điện tử, từng bước hình thành “chợ số vùng”, nơi người dân có thể kinh doanh, quảng bá và giao dịch sản phẩm địa phương một cách chủ động, minh bạch và tiện lợi.
Việc hợp nhất ba tỉnh không chỉ là sự kiện hành chính mà còn là cơ hội lịch sử để kiến tạo một không gian phát triển kinh tế số cấp tỉnh, đủ lớn về quy mô, đủ sâu về liên kết và đủ đa dạng để vận hành theo mô hình hiện đại. Với quyết tâm chính trị, tầm nhìn chiến lược và sự vào cuộc đồng bộ từ cả hệ thống, tỉnh Ninh Bình mới hoàn toàn có thể vươn lên trở thành trung tâm kinh tế số vùng Đồng bằng Sông Hồng và khẳng định một mô hình phát triển hiện đại và tiên phong.