Theo đó, ngày 13/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 221 gửi các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thị, thành phố, Báo Hà Nam về việc tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn lợi dụng chính sách miễn học phí cho học sinh nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các phương thức, thủ đoạn như: dùng số điện thoại rác, tài khoản mạng xã hội ảo; mạo danh nhân viên trường học, phòng giáo dục hoặc ngân hàng gọi điện, nhắn tin cho phụ huynh học sinh thông báo hoàn tiền học phí đã đóng trước đó. Hoặc, đối tượng gọi điện, nhắn tin yêu cầu phụ huynh học sinh cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP hoặc truy cập vào đường link lạ để nhận lại tiền học phí đã đóng trước đó. Sau khi có đầy đủ thông tin, đối tượng đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của phụ huynh, thực hiện các lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, ngay sau khi có Công văn số 221 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Công văn số 365 ngày 14/3 gửi phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; các trường THPT, trung tâm GDTX – Hướng nghiệp tỉnh, trung tâm GDNN– GDTX, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Trường THCS& THPT FPT. Trong công văn này, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn, dấu hiệu nhận biết các đối tượng lợi dụng chính sách miễn học phí cho học sinh nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua đó, giúp toàn thể học sinh, học viên, phụ huynh cũng như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị nhận biết và nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo lợi dụng chính sách miễn học phí cho học sinh để chiếm đoạt tài sản.
Chính sách miễn học phí cho học sinh có hiệu lực từ 1/9/2025.
Tại Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Phủ Lý), lãnh đạo nhà trường cũng đã thông tin kịp thời hình thức lừa đảo của các đối tượng; cung cấp nội dung các văn bản chỉ đạo của Phòng GD&ĐT thành phố về việc tuyên truyền cho giáo viên, học sinh và phụ huynh nhận diện thông tin chính thống, khuyến cáo phụ huynh giữ mối liên hệ với nhà trường. Thầy giáo Nguyễn Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản cho biết: Để làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo đến nhân dân, giáo viên chủ nhiệm các lớp đóng vai trò quan trọng. Vì thế, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp thông tin trực tiếp đến phụ huynh thông qua nhóm zalo lớp về vấn đề này để phụ huynh nắm bắt được tình hình, nâng cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để tránh những rủi ro, bị lừa đảo. Cho đến nay, nhà trường chưa nhận được sự phản hồi nào của phụ huynh về việc bị các đối tượng lừa đảo tiền học phí... Thực hiện sự chỉ đạo của ngành và lãnh đạo nhà trường, đội ngũ giáo viên đã duy trì chặt chẽ mối liên hệ với phụ huynh, thông báo rõ thông tin về các khoản thu, nộp tiền của trường; chủ động trao đổi, cung cấp các thông tin về các hình thức lừa đảo, lợi dụng chính sách miễn học phí của Đảng, Nhà nước của các đối tượng xấu, giúp nâng cao cảnh giác cho phụ huynh, học sinh.
Các nhà trường đã phổ biến đến giáo viên, phụ huynh và học sinh dấu hiệu nhận biết lừa đảo: Thứ nhất, nhà trường và các đơn vị giáo dục không yêu cầu phụ huynh cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP qua điện thoại, tin nhắn hay đường link lạ. Thứ hai, đối tượng lừa đảo thường gọi từ số điện thoại là sử dụng lời lẽ thúc giục, tạo áp lực, thậm chí đe dọa để nạn nhân nhanh chóng làm theo hướng dẫn. Thứ ba, các tin nhắn giả mạo thường chứa đường link không rõ ràng, yêu cầu phụ huynh đăng nhập vào trang web lạ... Nhờ đó, nhiều phụ huynh đã nắm bắt rất rõ bản chất vấn đề. Ông Cao Văn Tiệp, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục chia sẻ: Chúng tôi là những công nhân lao động, đi làm ở công ty cả ngày, không có nhiều thời gian theo dõi thời sự. Tuy nhiên, thông qua nhóm lớp của con, chúng tôi đã được giáo viên chủ nhiệm thông báo tình hình và hết sức cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo này.
Thầy giáo Lương Văn Dương, Hiệu trưởng Trường THPT A Phủ Lý cho rằng, chính sách miễn học phí cho học sinh của Đảng và Nhà nước ta là một chính sách hợp lòng dân. Nhưng lợi dụng chính sách này, không ít đối tượng đã nhân danh các cơ sở giáo dục để lừa đảo phụ huynh và người dân… Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần nâng cao trách nhiệm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tình hình đến với phụ huynh và học sinh. Bản thân các em học sinh cần nắm rõ thông tin sự việc, muốn thế, nhà trường phải quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT trong các buổi sinh hoạt đầu tuần để các em nắm bắt các chiêu trò lừa đảo và trao đổi với gia đình cùng cảnh giác, không bị mắc bẫy lừa đảo của các đối tượng xấu.