Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình này còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi có sự quan tâm, chú trọng đúng mức từ cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội. Việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực này không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là yếu tố bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Những năm qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, hoạt động xử lý vi phạm hành chính được triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong cộng đồng cũng từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc duy trì trật tự, kỷ cương xã hội và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước tại địa phương.
Xác định công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật là một trong những khâu then chốt góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc duy trì và mở rộng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ được đặc biệt chú trọng, với mục tiêu không ngừng mở rộng đối tượng tiếp cận và nâng cao chất lượng truyền tải nội dung pháp luật đến cán bộ và người dân. Các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành đã được phổ biến sâu rộng thông qua nhiều kênh đa dạng, từ hội nghị tập huấn trực tiếp đến các chuyên trang pháp luật trên nền tảng trực tuyến. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các lĩnh vực có nhiều vi phạm phát sinh trong thực tiễn như: giao thông đường bộ, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, đất đai, môi trường, quốc phòng và y tế… Việc lựa chọn nội dung thiết thực, sát với tình hình thực tế góp phần nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ cơ sở cũng như nhân dân.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tuyên truyền Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cho học sinh Trường THPT B Duy Tiên. Ảnh: Công an tỉnh Hà Nam
Riêng trong năm qua, Sở Tư pháp đã chủ trì tổ chức 5 hội nghị lồng ghép tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thu hút sự tham gia của hơn 600 lượt cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng chủ động cập nhật, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, kèm theo các biểu mẫu xử lý vi phạm vào chuyên mục riêng trên Cổng thông tin điện tử của sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng áp dụng pháp luật cho đội ngũ thực thi, mà còn lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng, từ đó thúc đẩy việc xử lý vi phạm hành chính ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và đúng quy định.
Cùng với đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm ngày càng được nâng cao cả về chiều sâu lẫn hiệu quả. Các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, giúp phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, quy trình, trình tự, thủ tục, biểu mẫu xử lý vi phạm hành chính được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. Điều này không chỉ góp phần bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong xử lý mà còn tạo dựng niềm tin trong nhân dân đối với công tác quản lý nhà nước.
Về tình hình xử phạt cụ thể, trong năm 2024, các sở, ban, ngành và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã xử lý hơn 1.273 vụ vi phạm hành chính, tăng nhẹ so với năm 2023 (1.227 vụ). Trong đó, có 99 tổ chức, 1.163 cá nhân và 100 đối tượng khác (bao gồm hộ gia đình, cộng đồng dân cư…) bị xử phạt theo quy định. Đáng chú ý, có 03 trường hợp vi phạm được chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự, phản ánh sự nghiêm khắc trong xử lý các hành vi có tính chất nghiêm trọng. Không có trường hợp nào được áp dụng các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh thực tế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Về tổ chức bộ máy, hiện chưa có công chức chuyên trách theo dõi công tác thi hành pháp luật; nhiều cán bộ Thanh tra kiêm nhiệm, dẫn đến áp lực công việc và hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ còn hạn chế do thiếu kinh phí và chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm hành chính đôi khi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo, thống kê, còn chậm và thiếu số liệu. Công tác kiểm tra, thanh tra có lúc, có nơi chưa kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hạn chế trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền và bồi dưỡng cán bộ, cùng với điều kiện kinh phí, trang thiết bị nghiệp vụ còn thiếu thốn.
Thực tiễn cho thấy, pháp luật chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được tổ chức thi hành nghiêm túc, đồng bộ và nhất quán. Để làm được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành; cần đội ngũ cán bộ có năng lực, bản lĩnh; và hơn hết là một hệ thống pháp luật rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ áp dụng.