Theo Thông tư 29, “Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành”. Việc dạy thêm, học thêm được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện; nội dung dạy thêm, học thêm không trái với quy định của pháp luật, phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục nhà trường và việc thực hiện các môn học của giáo viên.
Đặc biệt, Thông tư cũng quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm; quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học nhưng không được thu tiền của học sinh (gồm: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường)...
Đối với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư 29 cũng quy định rất rõ: các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động này có thu tiền của học sinh phải thực hiện đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai trên cổng thông tin điện tử, hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp, địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm, danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm…
Chất lượng giáo dục trong trường phổ thông cần được duy trì từ việc dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục trong chương trình chính khóa.
Với những quy định này của Thông tư 29, dư luận xã hội cơ bản rất đồng tình, ủng hộ vì cho rằng, thời gian qua, việc tổ chức và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm chưa thực sự tốt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục của các nhà trường. Một bộ phận giáo viên vì mục đích kinh tế coi trọng việc dạy thêm hơn công việc chuyên môn trên lớp của mình. Đó đây vẫn còn để xảy ra tình trạng ép học sinh học do mình được phân công dạy học trong trường phải học thêm ngoài giờ gây bức xúc đối với phụ huynh. Hơn cả, chuyện dạy thêm, học thêm quá nhiều làm cho học sinh mất đi tính chủ động, không phát huy hết năng lực, phẩm chất của mình; tạo thói quen ỷ lại, thiếu trách nhiệm của một bộ phận phụ huynh, gia đình học sinh đối với nhà trường…
Khi Thông tư 29 được thực hiện, việc tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ đi vào quy củ, tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh, khơi dậy phẩm chất, năng lực của người học, phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình và xã hội với giáo dục, hướng tới một nền giáo dục lành mạnh, tiến bộ, công bằng, nhân văn và bình đẳng.
Bà Phạm Thị Ngân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT cho rằng, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, nó chỉ có ý nghĩa và có tác dụng thúc đẩy hoạt động giáo dục tích cực khi dạy thêm, học thêm được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, chứ không phải là nhồi nhét kiến thức một cách thụ động, tạo áp lực về học hành cho các em một cách quá sức, mất nhiều thời gian, lấn chiếm các hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi... của học sinh. Sở GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các phòng GD&ĐT, các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Thông tư 29.
Khảo sát thực tế ở nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, ý kiến của các cán bộ quản lý trường học đều thống nhất thực hiện các quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Thầy giáo Đỗ Trường Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Nghị (Thanh Liêm) cho biết: Trước khi thông tư 29 chính thức có hiệu lực, Ban Giám hiệu nhà trường đã họp tuyên truyền, phổ biến các quy định, nội dung của Thông tư đến với tất cả cán bộ, giáo viên. Thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, việc tuyên truyền cho phụ huynh học sinh, nhân dân trong khu vực hiểu về quy định dạy thêm, học thêm được thực hiện, tạo sự đồng thuận, trách nhiệm cao giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Cá nhân tôi đánh giá cao ý nghĩa của Thông tư 29, nhất là với mục tiêu xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, thực chất; trong đó, vai trò, hình ảnh của người thầy được tôn vinh đúng nghĩa.
Giải đáp một số vấn đề liên quan đến dạy thêm, học thêm, mới đây, khi trao đổi với Báo Tuổi trẻ online, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, đã nhấn mạnh: Chương trình các môn học đã quy định thời lượng dạy học cụ thể đối với từng khối lớp. Với thời lượng đó, đã bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục theo yêu cầu của chương trình, bao gồm cả thời gian ôn tập, kiểm tra. Trách nhiệm của nhà trường là phải tổ chức thực hiện chương trình, bảo đảm cho học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình trong thời lượng quy định của chương trình. Đối với những học sinh chưa đạt yêu cầu thì nhà trường, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo để học sinh đạt yêu cầu của chương trình. Việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục để thực hiện, không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền học sinh. Các nhà trường phải bảo đảm cho học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của chương trình; thầy, cô giáo cần hướng dẫn để học sinh biết cách tự học, tự ôn tập, hệ thống hóa kiến thức đã học... Việc học thêm ngoài nhà trường nhằm nâng cao hơn về kiến thức, kỹ năng thuộc nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của học sinh, do học sinh quyết định, học sinh có nhu cầu có thể đăng ký học thêm ở những địa chỉ được phép đăng ký kinh doanh. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học.