Khu vực chùa Địa Tạng Phi Lai (xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm) từ ngày mồng 3 Tết, quán của anh Đào Văn Việt, quê ở xã Thanh Tân, Thanh Liêm, mỗi ngày cung cấp hàng trăm chiếc xúc xích, nhiều đồ uống, trái cây phục vụ du khách đến tham quan... Những hàng quán trong khu vực mọc san sát nhau, bán các thứ đồ ăn nhanh, ăn sẵn. Anh Việt cho biết: Toàn bộ xúc xích nhà tôi bán ở đây đều do gia đình tự làm, bảo đảm an toàn, sạch sẽ. Nhiều năm bán hàng ở khu vực này vào các dịp đầu xuân, quán của tôi cũng không còn xa lạ với du khách nữa.... Không thể kiểm chứng được mức độ VSATTP từ các loại thực phẩm bày bán ở gian hàng của gia đình anh Việt, nhưng nghe nói như thế, du khách phần nào có cảm giác an tâm. Ông Nguyễn Chí Học, một lái xe ôm ở đây khẳng định: Từ ngày tôi chạy xe phục vụ khách du lịch ở đây, chưa từng chứng kiến một vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra, vấn đề VSATTP cho du khách được bảo đảm khá tốt. Bản thân tôi có cảm giác an toàn...
Nhiều sản phẩm bày bán tại khu điểm du lịch không có chỉ dẫn xuất xứ nguồn gốc.
Ngay bên cạnh quán hàng của anh Đào Văn Việt, vợ chồng anh chị chủ một quán hàng ăn khác cũng tất bật rán, chiên xúc xích, nem chua và một số thực phẩm phục vụ khách. Khách hàng vây kín chờ đợi, trong đó có rất nhiều trẻ em. Khi hỏi các vị khách về các thực phẩm mà họ chọn mua ở đây thế nào, hầu hết đều trả lời: Vì thời điểm này quá bữa rồi, mọi người đều đói và mệt nên muốn ăn tạm một thứ gì đó lót dạ, chứ thực lòng ai cũng biết các thực phẩm bày bán đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, người bán đều bóc trần bày ra nên không biết có bảo đảm an toàn, vệ sinh hay không.
Trên một đoạn đường vào chùa Địa Tạng Phi Lai dài chừng gần 1km có tới vài chục quán bán hàng ăn uống di động. Tất cả bày biện, đứng tạm hai bên đường, trong khi lượng khách vào chùa khá đông, không tránh được bụi bặm, ruồi nhặng bay bám vào thực phẩm để phơi trần không che đậy. Ông Trịnh Văn Báu, du khách đến từ thành phố Hải Phòng chia sẻ: Chỉ cần nhìn vào việc bày bán la liệt đồ ăn không lồng kính hay không có bất kỳ một thiết bị gì che đậy, mỗi quán chỉ có một đến hai xô nước nhỏ để tráng cốc, hay vệ sinh bát đĩa... dù thực phẩm có ngon thì cũng cảm thấy không được vệ sinh cho lắm. Bởi, khách du lịch đi vào chùa đông như thế, xe ôm tấp nập làm bụi đường bay quyện vào đồ ăn thức uống thì làm sao có thể bảo đảm sạch được! Cảm quan của nhiều du khách là như vậy, cho dù những người bán hàng ở đây cố gắng giải thích rằng, tất cả các thứ họ mang đến phục vụ khách hàng chủ yếu do nhà làm ra hoặc mua buôn từ các cơ sở có uy tín!
Ở khu vực chùa Cây Thị, cảnh bán hàng ăn uống có vẻ chuyên nghiệp hơn, không gian bán hàng rộng rãi hơn nhưng để biết các thứ hàng hóa bày bán nguồn gốc từ đâu thật khó. Những ngày đầu xuân, du khách đến chùa Cây Thị đông không kém chùa Địa Tạng Phi Lai. Nhiều người từ xa đến có nhu cầu ăn uống nghỉ ngơi; trong đó chủ yếu là trẻ em và thanh niên. Nhiều du khách tỏ ra băn khoăn về công tác quản lý vấn đề VSATTP ở các khu, điểm du lịch này có thực sự bài bản và quy củ hay không để du khách từ xa đến có thể yên tâm ăn, nghỉ, du xuân.
Trước thực tế này, ngay sau khi Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh có kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân năm 2025, Chi cục VSATTP tỉnh đã triển khai công tác giám sát VSATTP tại các lễ hội lớn của tỉnh đầu xuân, như: Lễ hội Tam Chúc, Lễ hội Phát lương đền Trần Thương... Trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát VSATTP ở các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, quầy bán hàng trong khu, điểm du lịch, lực lượng kiểm tra, giám sát đã kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về VSATTP, nâng cao ý thức của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm...
Ông Dương Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh cho biết: Việc kiểm soát tốt công tác VSATTP trong các khu, điểm du lịch thời điểm đầu năm sẽ góp phần củng cố hình ảnh đẹp cho du lịch Hà Nam hiện nay, nhất là khi tỉnh đã nhận được các danh hiệu quý giá về du lịch. Để công tác bảo đảm VSATTP được tổ chức thực hiện xuyên suốt, có hiệu quả ở các khu, điểm du lịch, Chi cục đã có kế hoạch giám sát, phân cấp việc quản lý hoạt động kiểm tra, giám sát VSATTP đối với các địa phương, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố một cách rõ ràng. Chỉ tính riêng trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, huyện Thanh Liêm đã thành lập đoàn thanh kiểm tra liên ngành kiểm tra 25 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ăn uống trên địa bàn huyện, phát hiện 9 cơ sở vi phạm; đoàn kiểm tra liên ngành các cấp ở thị xã Kim Bảng đã tổ chức kiểm tra 151 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện và xử lý vi phạm 2 cơ sở.
Mùa lễ hội, du xuân năm 2025 mới chỉ diễn ra được gần một tháng, để Hà Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, văn minh, công tác bảo đảm VSATTP cần được tiếp tục quan tâm hơn nữa. Ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng vẫn rất cần hơn nữa trách nhiệm của toàn xã hội.